Chợ tình Sa Pa - nơi gặp gỡ của Đất và Trời
Ngày đăng: 11/09/2020
Liếc nhìn đồng hồ đã tám giờ tối, Tôi chễm chệ tách trà nóng trên tay, ngồi bệt dưới bậc thang của quảng trường trung tâm để có thể nhìn và cảm nhận sâu hơn không gian văn hóa của buổi chợ tình. Buổi gặp gỡ, giao duyên của các thanh niên vùng cao Sapa, nói theo dân du lịch là “chợ tình Sapa”, một trong những nét văn hóa rất độc đáo của người H’mông, một cộng đồng dân tộc miền núi sinh sống ở thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai từ rất lâu.
Chợ được tổ chức vào mỗi tối thứ bảy hàng tuần tại quảng trường trung tâm thị xã. Khi nghe danh từ “chợ”, chắc ta sẽ hình dung một không khí sôi nổi của các hoạt động trao và đổi, mua và bán, trả giá và đồng thuận hay cũng có thể là bất hòa và tranh cãi. Thế nhưng, chợ tình Sapa là một không gian với các đặc trưng hoàn toàn khác với cái “chợ”. Nó nhộn nhịp, nhưng không ồn ào, nó đông đúc, nhưng không hỗn tạp, hòa tan. Mọi hoạt động diễn ra thật trật tự, đưa du khách từ bất ngờ này đến sự thú vị khác.
Tôi muốn bắt đầu bằng việc nói về cái sân khấu tráng lệ ngay trung tâm quảng trường, ngay từ đầu buổi giao lưu, những tiết mục rất đặc sắc của các chàng trai, cô gái H’mông đã làm du khách say đắm trong các điệu múa, điệu nhảy truyền thống như điệu hát mừng lúa mới, nhảy sạp… Họ nhảy trông rất chuyên nghiệp nhưng cũng rất mềm mại. Tôi xem say sưa đến mức không để ý đến giọng nói khẽ bên tai của một cô bé người H’mông độ bảy tuổi: “Con mài xú mua cái vooòng” (Con mời chú mua cái vòng - TMC). Cái giọng nói trẻ thơ, ngọng nghịu, nhưng đáng yêu biết nhường nào. Tôi vui vẻ mua lấy hai cái vòng cho cô bé và hơi bất ngờ khi sau đó lại được “nàng ta” đưa tới một “liveshow” (buổi biểu diễn trực tiếp) khác. À ra là ở một góc khác của quảng trường, một nhóm các cháu bé độ khoảng bốn, năm tuổi đang “cháy hết mình” với các điệu nhảy truyền thống để phục vụ du khách. Tôi nghĩ thầm: “Cô bé này cũng biết marketing (Tiếp thị) lắm chứ nhỉ, biết đưa mình đến đây để tạo thêm chút thu nhập cho chúng bạn”. Một lần nữa Tôi lại bị mê hoặc, không phải vì sự nhuần nhuyễn, đồng bộ của điệu múa, mà là sự hồn nhiên, xinh xắn của những mầm non vùng cao này. Tôi rút một trăm ngàn để gửi cho các cháu mua quà mà trong lòng vẫn áy náy rằng giá mình có điều kiện hơn nữa để tặng thêm. Rảo thêm vài bước chân qua phía gần khu vực nhà thờ đá, Tôi tình cờ bắt gặp một đôi đang nhảy múa với nhau trước hàng trăm ánh mắt tò mò của du khách. Người con trai thì cầm trên tay chiếc “khèn” (Nhạc cụ của người dân tộc miền núi khi thổi phát ra âm thanh giống tiếng kèn – TMC), anh ta thổi và lắc lư say sưa theo những khối âm thanh do chính mình tạo ra. Nói về cô gái, cô cầm ô và múa thật hăng say, điệu nghệ như hưởng ứng các tín hiệu phát ra từ người bạn của mình. À ra là họ đang dùng khèn, dùng ô để trêu nhau, “tia” (phương ngữ Bắc bộ, có nghĩa là để ý – TMC) nhau. Đây cũng là một phần trong chuỗi hoạt động không thể thiếu và là cảm hứng chính để tạo nên phiên chợ tình Sapa. Đó là việc các chàng trai, cô gái dạo vòng chợ tình, trêu đùa, tâm sự, giao lưu với nhau như đúng cái tiêu đề của câu chuyện “Đất trời gặp gỡ” và biết đâu những cuộc tình thơ mộng, lãng mạn sẽ nảy nở từ những phiên chợ tình này. Tại sao không?
Tách trà nóng cũng dần cạn, Tôi vứt vội bao thuốc đã hết vào sọt rác rồi lẩn thẩn về khách sạn, vừa đi vừa nghĩ về chuyến kiến tập xuyên việt của các bạn sinh viên Khoa Kinh tế du lịch sắp tới, nghĩ về “Covid” (Corona virus disease – Căn bệnh gây ra bởi chủng vi-rút Corona). Dẫu sao đi nữa, ta nên lạc quan, hướng về những điều tích cực và tốt đẹp nhất. Hy vọng sẽ sớm được cùng các bạn rong ruổi ở cung đường Tây Bắc mùa lúa chín, hy vọng sẽ được cùng các bạn hòa mình vào không gian văn hóa chợ tình Sapa lần nữa. Chờ nhé, các bạn. Chờ nhé, Sapa!
ThS.Tăng Minh Châu - K.Du lịch